Thời Hậu Tấn Lưu_Tri_Viễn

Thời Hậu Tấn Cao Tổ

Mùa đông năm 936, Liêu Thái Tông phong cho Thạch Kính Đường làm Hậu Tấn hoàng đế. Chính quyền mới được thiết lập, Lưu Tri Viễn được giao trọng trách chỉ huy đội quân túc vệ. Sau đó, khi quân Hậu Đường ở Tấn An đầu hàng, liên quân Khiết Đan - Hậu Tấn nam tiến thẳng tới Lạc Dương, tướng Phạm Diên Quang (người vừa ám sát Trương Cảnh Đạt và hàng Tấn) được phong làm thống lĩnh, đứng trên Lưu Tri Viễn, còn ông được trao quyền Tiết độ sứ ở Bảo Nghĩa[22]. Cuối cùng, khi liên quân tiến đến Lộ châu[23], Liêu Thái Tông quyết định dừng binh ở đây và lui về để người Hán không bị hoảng sợ bởi sự xuất hiện ở người ngoại tộc. Trước khi trở về, ông ta bảo Kính Đường rằng, "Bọn Lưu Tri Viễn, Triệu Oanh, Thang Duy Hàn có đại công khai quốc. Nếu chúng không phạm đại tội thì không được trừ bỏ."[21]

Thạch Kính Đường tiến tới Lạc Dương, Lý Tòng Kha cùng gia quyết và các đại thần tuyệt vọng nhảy vào lửa tự sát. Kính Đường tiến vào Lạc Dương, sai Tri Viễn chiêu an dân chúng, quân sĩ trong thành. Sử sách ghi nhận Lưu Tri Viễn giữ quân nghiêm cẩn, để quân sĩ người Hán ở yên trong trại và hậu đãi các tướng sĩ Khiết Đan, vì thế không cướp bóc quấy nhiễu nhân dân. Chỉ trong vài ngày, tình hình trong thành trở lại ổn định.[21]

Năm 937, Phạm Diên Quang, trước đó dù đã xưng thần với Hậu Tấn, đã khởi binh tại Thiên Hùng. Không lâu sau, tướng Trương Tòng Tân cũng nổi dậy gần Lạc Dương và kiểm soát thành trị. Thạch Kính Đường lúc này đã dời đô đến Khai Phong, cử Dương Quang Viễn, Đỗ Trọng Uy dẫn binh thảo phạt. Vào lúc đó, bởi vì những cuộc nổi loạn này (cũng như một cuộc nổi loạn khác tại Hoạt châu[24]), người dân Trung Nguyên đều khiếp sợ. Kính Đường hỏi ý Tri Viễn phải làm gì, ông trả lời như sau:[25]

Hoàng đế hưng khởi, phải là do Thiên Mệnh. Lúc ngự giá ở Tấn Dương (tức Thái Nguyên), không có nhiều hơn năm ngày lương thực, mà cuối cùng vẫn có thể lập quốc được. Nay thiên hạ vững bền; ta có quân lính tinh nhuệ; với lại ở phía bắc đã kết minh với bọn Di Địch cường thịnh (tức Khiết Đan). Bọn nhãi nhép đó sao có thể làm được chi? Thánh thượng hãy ban ân điển cho văn võ hai ban để trấn an chúng. Lại xin cho thần nắm quyền dẫn quân. Nếu mà có đủ cả ân uy, kinh thành không có gì đáng lo. Gốc rễ mà an toàn thì cành lá cũng không có gì đáng ngại.

Sau đó Lưu Tri Viễn thiết lập quân lệnh nghiêm ngặt, vì thế quân sĩ không ai dám kháng lệnh. Sau đó, Tòng Tân bị đánh bại và bị giết trên đường chạy trốn, còn Diên Quang đầu hàng Hậu Tấn.[25] Mùa thu năm 937, ông được dời làm quyền Tiết độ sứ Trung Vũ[26]. Mùa đông năm 938, ông được giao quyền chỉ huy quân mã cả nước,[3] sau khi Dương Quang Viễn được bổ nhiệm làm Tiết độ sứ Thiên Hùng.[25] Ông ở Trung Vũ không lâu thì dời tới Quy Đức[27].[3] Khi đó, Kính Đường cũng ban cho ông cùng Đỗ Trọng Uy vinh dự tể tướng, chức danh Đồng Trung thư Môn hạ Bình chương sự, ông cảm thấy bị sỉ nhục khi phải đứng ngang hàng với Trọng Uy, vì ông coi Trọng Uy chẳng có công cán gì lớn mà nhận được ân điển chỉ vì quan hệ thông gia với nhà vua. Biết Tri Viễn bất mãn, Kính Đường tức giận, dự định cách binh quyền của ông. Tuy nhiên, Triệu Oanh cho rằng Lưu Tri Viễn bảo vệ Thái Nguyên từng lập đại công mà khuyên can nhà vua. Kính Đường bèn sai Hàn lâm học sĩ Hòa Ngưng đến chỗ của ông tuyên chiếu một lần nữa. Lúc này ông đã nhận ra tình hình bất lợi cho mình, nên phải kính cẩn mà thụ chiếu.[28]

Năm 940, ông được phái đi trấn thủ Nghiệp Đô (鄴都, tức Ngụy châu, trị sở Thiên Hùng quân). Năm 941, nhà vua lo lắng rằng Tiết độ sứ Thành Đức An Trọng Vinh, có quan hệ tốt với nước Liêu, sẽ nổi dậy, bèn dời Lưu Tri Viễn làm Tiết độ sứ Hà Đông. Đỗ Trọng Uy, hiện là phó của Tri Viễn, được phong lên làm thống lĩnh quân đội triều đình. Việc này là theo ý của các tể tướng Phùng ĐạoLý Tung, ông trở nên căm ghét hai người này.[28]

Cuối năm 941, An Trọng Vinh tạo phản, liên minh với Tiết độ sứ Sơn Nam Đông Đạo[29] An Tòng Tiến, tuyên bố rằng mình có sự ủng hộ từ ba bộ lạc Thổ Dục Hồn, Đạt Thát, Khế Bật. Để chặn viện quân Thổ Dục Hồn giúp An Trọng Vinh, Tri Viễn cử Quách Uy gặp thủ lĩnh Thổ Dục HồnBạch Thừa Phúc, hứa sẽ tặng đất chăn gia súc cho bọn họ (đất thả gia súc của người Thổ trước kia nằm ở bắc Hà Đông, giờ đã cắt cho Liêu quốc), và còn chỉ ra rằng An Trọng Vinh sẽ thất bại. Thừa Phúc nghe theo, bỏ Trọng Vinh mà quy hàng Tri Viễn. Ông cho người Thổ các vùng đất ở quanh vùng Thái Nguyên và Lan châu, Thạch châu [30], đưa một số người lính thiện chiến của Thừa Vinh đến làm việc cho mình và cho ông ta làm Tiết độ sứ Đại Đồng[31] — nhưng chỉ là trên danh nghĩa, vì Đại Đồng giờ đã là đất của Liêu quốc). Điều này cộng thêm việc Đạt Thát, Khế Bật không thể liên quân với Trọng Vinh, đã làm cuộc khởi nghĩa này suy yếu,[28] rồi sớm thất bại.[32]

Vào lúc này, Thạch Kính Đường bệnh nặng, muốn cho con trai duy nhất là Thạch Trọng Duệ kế vị, sai Phùng Đạo phụ tá. Lại theo kế đã lập ra, cho triệu Tri Viễn từ Hà Đông về kinh giúp đỡ ấu chúa. Tuy nhiên, con nuôi của Kính Đường là Tề vương Thạch Trọng Quý đã chặn lại mệnh lệnh đó trước khi chiếu thư tới Thái Nguyên. Không lâu sau nhà vua mất, Phùng Đạo bàn với Cảnh Diên Quảng cho rằng đất nước cần có vua lớn tuổi, do đó lập Thạch Trọng Quý làm đế. Lưu Tri Viễn sau khi biết hết mọi việc, trở nên căm tức Trọng Quý.[32]

Thời Thạch Trọng Quý

Thạch Trọng Quý nghe theo lời Cảnh Diên Quảng, dùng chính sách cứng rắn với triều Liêu, trong đó có việc từ chối xưng thần, mà chỉ xưng cháu (vì Thạch Kính Đường trước xưng là "nhi hoàng đế", gọi Liêu Thái Tông là "phụ hoàng đế"), và bắt các nhà buôn Khiết Đan đang làm ăn ở Trung Nguyên, tịch thu gia sản của họ. Lưu Tri Viễn biết rằng lời khuyên của Diên Quảng về sau sẽ trở thành đại họa cho quốc gia, nhưng vì Diên Quảng khi đó quyền thế quá lớn, nên ông không dám khuyên ngăn. Thay vào đó, ông cho tuyển thêm quân để tăng cường lực lượng cho quân đội Hà Đông, lập ra 10 cánh quân để chống lại cuộc xâm lược của nước Liêu trong tương lai.[32]

Năm 944, Liêu cử đại quân đánh mạnh vào lãnh thổ Hậu Tấn. Tướng Tấn là Chu Nho bí mật liên lạc với Tiết độ sứ Bình Lư[33] Dương Quang Viễn để cùng nhau nổi loạn hưởng ứng người Liêu. Theo như minh ước này, Thái Tông hoàng đế lúc này đang cùng đại quân đóng ở Thiên Hùng, sai chú là Da Luật An Đoan, đem quân tiến đánh Hà Đông. Để đối phó vơi quân Liêu quốc, Thạch Trọng Quý bổ nhiệm Lưu Tri Viễn chỉ huy quân chặn đánh lực lượng đến từ U châu (thủ phủ Lữ Long quân) cùng Đỗ Uy (tức Đỗ Trọng Uy, vì kiêng húy Thạch Trọng Quý nên đổi tên), Tiết độ sứ Thuận Quốc (tức Thành Đức, đổi tên sau thất bại của An Trọng Vinh) làm phó tướng và Mã Toàn Tiết, Tiết độ sứ Nghĩa Vũ[34] làm giám quân nhằm tìm cách đánh lạc hướng lực lượng chính của Liêu. Tuy nhiên, sau khi đánh bại quân của Da Luật An Đoan, Lưu Tri Viễn lại không đưa quân hỗ trợ cho hai tướng kia và đưa quân lên phía bắc để tấn công Liêu theo mệnh lệnh của Thạch Trọng Quý,[32] để Đỗ và Mã tại Hình châu[35]. Sau khi Dương Quang Viễn thua trận bị giết, và quân Liêu rút lui, ông vẫn được làm thống soái các đạo quân ở phía bắc. Nhưng Thạch Trọng Quý nghi ngờ ông, nói rằng, "Thái Nguyên không giúp trẫm, hẳn là có ý khác. Tốt nhất là nên trừ đi sớm!" Ông biết được tinh thế của mình rất nguy hiểm, và quyết định hành sự cẩn trọng và cất quân giữ chặt Hà Đông. Khi Quách Uy thấy Lưu Tri Viễn thường tỏ ra lo lắng, bèn khuyên rằng,

"Hà Đông có núi cao sông dài bảo vệ. Người Hà Đông có truyền thống dũng mãnh thiện chiến, người tốt ngựa tốt ở đây chẳng thiếu. Lúc hòa bình thì chăm chỉ làm ruộng; lúc có chiến sự thì hăng hái tiến lên. Đó là cái vốn quý để lập nên vương nghiệp. Sao tướng công lại buồn phiền?"[36]

Sau đó Trọng Quý phong cho ông làm Thái Nguyên vương, sau đổi là Bắc Bình vương.[3] Trong khi đó, do Bạch Thừa Phúc lập công trong cuộc chiến, nhà vua cho triệu ông ta về kinh về ban thưởng rất nhiều. Đến năm 946, Thừa Phúc làm trấn thủ Hoạt châu cùng với Trương Tòng Ân, trong khi người dân các bộ lạc Thổ Dục Hồn của ông ta được chăn gia súc ở các vùng Thái Nguyên - Lan - Thạch. Khi họ phạm lỗi, Tri Viễn trừng phạt không khoan thứ. Người Thổ thấy rằng quân Hậu Tấn quá yếu và còn lo sợ sự nghiêm khắc của Tri Viễn. Phó thủ lĩnh Bạch Khả Cửu, có địa vị chỉ đứng sau Bạch Thừa Phúc trong tộc, dẫn người hàng Liêu. Liêu Thái Tông bổ nhiệm làm Thứ sử Vân châu (雲州, nay thuộc Đại Đồng), nhằm mua chuộc Thừa Phúc. Tri Viễn e ngại Thừa Phúc, theo lời khuyên của Quách Uy, ông quyết định chống lại người này. Uy còn khuyên ông giết Thừa Phúc để lấy hết gia sản của ông ta mà nuôi quân đội. Cho nên ông trình biểu lên Thạch Trọng Quý, nói rằng, "Người Thổ Dục Hồn thường hay phản bội, khó mà chế ngự được chúng. Thỉnh dời hết vào trong nội địa". Trọng Quý ra lệnh chuyển khoảng 1,900 người Thổ vào các châu quận bên trong. Sau đó, ông lừa cho Thừa Phúc và 4 tướng lĩnh thân cận của người này vào thành Thái Nguyên; sau đó kể tội họ có ý mưu phản. Sau đó sai quân bao vây và giết hết bọn người Thổ Dục Hồn, tổng cộng khoảng 400 người, tịch thu gia sản của họ. Triều đình Hậu Tấn biểu dương hành động của ông. Sử sách ghi nhận kể từ đó, Thổ Dục Hồn ngày một suy yếu.[37]

Cùng lúc đó, em cùng mẹ với Lưu Tri Viễn là Mộ Dung Ngạn Siêu đang giữ chức thứ sử Bộc châu[38], bị kết tội tự ý thu thuế, và thu gom lúa cấp cho quân sĩ mà không theo lệnh của triều đình. Ở triều đình, đại thần Lý Ngạn Thao có oán với Ngạn Siêu, và thuyết phục Phùng Ngọc (anh của bà Phùng hoàng hậu) hãy xử tử Ngạn Siêu. Tri Viễn đệ thư cầu xin tha thứ cho em trai. Tể thần Lý Tung thấy rằng rất nhiều tướng lĩnh trong nước có hành động tương tự với Ngạn Siêu, và nếu Ngạn Siêu bị xử tử thì bọn họ sẽ tự thấy bất an. Cho nên, Ngạn Siêu được tha mạng nhưng bị đày sang Phòng châu[39]).[37]

Năm 946, Liêu Thái Tông lại muốn nam hạ, sai Triệu Diên Thọ dùng kế trá hàng, khiến Phùng Ngọc, Lý Trung bị mắc lừa. Triều Tấn lấy Đỗ Trọng Uy, Lý Thiệu Chân đem quân bắc phạt. Quân của Trọng Uy vừa tiến vào lãnh thổ Liêu thì gặp vua Liêu, ông ta đang thống lĩnh đại quân chờ đợi. Quân Tấn bị đại bại tại cầu Trung Độ[40]. Thái Tông hoàng đế vừa uy hiếp, vừa thủ dụ rằng nếu Trọng Uy chịu hàng thì sẽ phong cho làm hoàng đế Trung Quốc, Trọng Uy tuân theo. Bởi vì gần như toàn bộ quân mã cả nước đã giao cho Trọng Uy cho nên bấy giờ Khai Phong không có quân trấn thủ, quân Liêu nhanh chóng tiến vào. Thạch Trọng Quý, ban đầu nghĩ đến việc triệu Tri Viễn dẫn quân cứu giá, nhưng cuối cùng quyết định đầu hàng, Hậu Tấn từ đó chính thức diệt vong.[37]